Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng
01.06.2021
749

"Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng"...
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng"...

Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25/8/1950, Bác nhắc nhở: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ hoạt bát, tự nhiên tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả. Nhiều thư của các cháu viết cho Bác như người lớn viết, đó là một triệu chứng già sớm nên tránh”.
Những ý kiến trên của Bác chẳng những thể hiện tính thận trọng đối với những gì có thể ảnh hưởng đối với thiếu nhi mà còn thể hiển tính chất nhân đạo rất mực của Người. Qua đó làm chúng ta nhớ lại bài nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn với các giáo viên Trường cấp II Quảng An, huyện Từ liêm Hà Nội: “Chế độ ta phải dành tất cả cái gì tốt nhất cho trẻ em. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải tạo những điều kiện, những phương tiện tốt cho học sinh, cho con em chúng ta học tập, vui chơi…” Mục đích của công tác giáo dục thiếu nhi là ở chỗ đó. Vì vậy Bác Hồ đã nói một câu nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” để có những người công dân tốt và cán bộ tốt cho đất nước.

Sự quan tâm vô bờ bến của Bác Hồ với thiếu niên nhi đồng trong một câu chuyện “trồng người” rất xúc động. Hôm ấy vào tháng Chạp năm 1968 các dũng sĩ thiếu niên miền Nam đang học ở Tả ngạn thì có xe đến đưa về Thủ đô gặp Bác Hồ. Sau khi Bác cháu trò chuyện, Bác bảo các cháu vào ăn cơm cùng với Bác. Trong số đó có một cháu người nhỏ quá chỉ thấy có cái đầu lấp ló sau bàn ăn nên được Bác gắp thức ăn cho luôn. Bữa cơm với Bác rất đạm Bạc, nhưng rất vui. Cảm động nhất là khi nghe Bác nói: “Vì Bác nhớ các cháu quá nên cho xe lên đón các cháu về đây hỏi chuyện”. Các dũng sĩ miền Nam, cảm động, trào nước mắt. Cho đến ngày Bác đi xa, trong Di chúc của mình, Bác vẫn gửi gắm: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. “Bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”, Bác nói rõ ràng như thế, Bác hy vọng ở thế hệ trẻ hy vọng ở thiếu niên nhi đồng và việc đó là cái việc mà Đảng mà Nhà nước ta phải hết sức chú ý.
Thực hiện tư tưởng và Di chúc của Bác Hồ về vị trí, vai trò của thiếu niên, nhi đồng trong đời sống xã hội, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Hiến pháp, Luật, hàng trăm văn bản để bảo vệ quyền trẻ em. Như: Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013), với tư cách là đạo luật cơ bản, có hiệu lực cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam đã thể hiện rõ việc thể chế hóa các quan điểm bảo vệ quyền con người nói chung, trong đó có các quyền tham gia của công dân vào đời sống xã hội. Hiến pháp 1992 khẳng định: “…các quyền con người về chính trị, …xã hội được tôn trọng, thể hiện ở quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” ; “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận về những vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan nhà nước…”; “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Trên cơ sở các quyền Hiến định này, quyền tham gia của trẻ em, với tư cách là một công dân -được thể hiện trong các văn bản khác như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính… Đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em đã được quy định trong Luật trẻ em 2016; Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.
Các văn bản trên tạo thành hệ thống cơ sở pháp lý quan trọng không chỉ khẳng định vai trò chủ thể độc lập của trẻ em trong xã hội mà còn là cơ sở để gia đình, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Nhà nước có những hoạt động, chính sách phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích của các em.
Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1969, thực hiện lời dạy của Người, từ trong đạo lý truyền thống đến các chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ, chúng ta luôn dành cho trẻ em mọi ưu tiên, mọi sự che chở, bảo vệ cao nhất.
(Nguyễn Văn Thanh)

Tin cùng chuyên mục